Tác phẩm Chuyện_xứ_Lang_Biang

Quá trình sáng tác

Để viết bộ truyện này, Nguyễn Nhật Ánh đã gặp khá nhiều thách thức. Về sáng tạo, nhà văn đã phải vận dụng và khai thác tối đa trí tưởng tượng để xây dựng các tình tiết một cách hợp lý. Các chi tiết cũng phải được sắp xếp theo một bố cục chặt chẽ và lôgic. Nhà văn tâm sự ông đã phải mất nửa năm tìm tài liệu trên Internet và đọc các loại sách liên quan như Phù thủy và pháp sư, Ma thuật và thuật phù thủy ở Philippines, Các huyền thoại phương Đông, Thần thoại Hy LạpLa Mã, Một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Họ và tên người Việt Nam, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Các nền văn minh cổ đại...[2] Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối tác giả đó chính là sự đón nhận của độc giả nhỏ tuổi với bộ truyện này. Ông mong muốn tác phẩm này đem lại sự thích thú cho độc giả như Kính vạn hoa.[3]

Được biết, nhà văn đã từng sáng tác một số truyện có tính thần thoại như các bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ và Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối. Nhận thấy có thể khai thác theo hướng viết này để viết truyện cho trẻ em, ông ấp ủ dự định sáng tác một tác phẩm thần thoại từ khá lâu nhưng vì lúc đó đang viết dở bộ Kính Vạn Hoa nên đến năm 2004, Chuyện xứ Lang Biang mới ra mắt bạn đọc.[2]

Theo diễn tiến của câu chuyện và dự định ban đầu của Nguyễn Nhật Ánh, Chuyện xứ Lang Biang đáng lẽ phải kéo dài 6 tập nhưng do mất nhiều thời gian viết (trung bình 1 năm một tập) nên ông quyết định rút ngắn thành 4 tập.[4] Ngày 23/10/2006, bộ truyện ra tập cuối cùng (tập 28 khổ nhỏ), kết thúc cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính Nguyên và Kăply.

Quan điểm nghệ thuật

Nguyễn Nhật Ánh viết bộ truyện này với trong thời điểm truyện dịch đang rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là bộ truyện phù thủy nổi tiếng gây sốt toàn thế giới Harry Potter. Trong một buổi phỏng vấn, ông tâm sự:

Tôi muốn đem lại nhiều tác phẩm cho trẻ em khi trào lưu truyện dịch ở ta đang nở rộ. Nhưng trách nhiệm và tự ái của một nhà văn nội không cho phép mình chịu thua.[3]

Nguyễn Nhật Ánh không cho rằng đây là sự "chạy theo trào lưu" mà ông muốn thiếu nhi Việt Nam được đọc những câu truyện thần thoại do chính các nhà văn Việt Nam viết. Với sự ra đời của tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho sự ra đời những tác phẩm mới với nội dung và cách thể hiện phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Tác phẩm còn thu hút độc giả bởi sự gần gũi và thân thuộc đậm bản chất văn hóa Việt. Tên các nhân vật mang đậm màu sắc Tây Nguyên và đặc biệt là địa danh Lang Biang, mặc dù Lang Biang trong truyện là của một thế giới hoàn toàn khác. Ý định của tác giả là vừa muốn mang yếu tố khác lạ cho câu chuyện, đồng thời vẫn giữ được bản sắc truyền thống của Việt Nam.[2]

Khác với Harry Potter, cái ác và cái chết trong Chuyện xứ Lang Biang không được đẩy đến tận cùng, đôi khi nhà văn dùng giọng văn hài hước để làm nó nhẹ nhàng hơn. Theo ông, viết văn cho thiếu nhi thì không nên viết quá nặng nề bởi "Trẻ em khác người lớn, tâm hồn mỏng manh, trong sáng như cây non, nhận thức chưa chín, kinh nghiệm sống chưa có, đem giông bão đến cho các em để làm gì?" Truyện còn mang tính nhân bản sâu sắc ở việc đề cao những giá trị cao đẹp của tình bạn, được thể hiện qua những khó khăn và thử thách. Nhà văn chủ trương không xây dựng hình tượng anh-hùng-cá-nhân như hầu hết các truyện nước ngoài khác. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc trưng rõ nét của truyện Nguyễn Nhật Ánh.